“RƯỢU CỦA NHAN SẮC”, TỰA ĐỀ CỦA BÀI DỰ THI PHÓNG SỰ – KÝ SỰ ” BÌNH THUẬN TRÊN ĐƯỜNG ĐỔI MỚI “

“Vang Thanh Long Tazon (Hàm Đức): Rượu của nhan sắc!” – Bài dự thi do tác giả Trinh Thơ thể hiện được đăng tại trang nhất báo Bình Thuận ngày 11/05/2018 nói về quá trình hình thành và phát triển của Hợp tác xã Thanh Long Hàm Đức và sự ra đời của sản phẩm Rượu vang Thanh long Tazon.

Sau đây là bài viết của tác giả:

Buổi chiều khó quên

Hôm ấy, một buổi chiều trong năm 2015,  tôi có việc  ra đường. Định bụng đi nhanh về nhanh, nhưng rồi chẳng làm sao nhanh được khi thấy từng đống thanh long đổ dọc theo đường. Có đống hãy còn mới tinh, sáng lên cái màu vỏ đỏ chói. Vài con bò ăn gần đó  chẳng con nào tìm tới ăn thứ trái cây mà vài năm trước chỉ sơ sẫy là lũ bò xộc vào vườn ăn lấy ăn để. Tôi hoang mang, cũng như tự hỏi vì sao người ta bỏ thanh long nhiều đến vậy, thì trời ạ, chân tôi như khuỵa hẳn khi bước lên cầu ông Tầm, cái cầu  bắc qua Quốc Lộ 1A, cách nhà không bao nhiêu xa. Vẫn cái màu đỏ ấy và giờ đây, nó quá nhiều để nước dưới chân cầu thôi chảy như mọi ngày. Những đống thanh long dài  hai, ba thước, cao  hơn nửa thước, từ đáy sông nhô lên như nói với tôi về điều gì đó bất thường. Thay vì đi tiếp, tôi quyết định quay lại vì nhà cũng có 10 ha thanh long sắp thu hoạch. Chuyện gì xảy ra vậy không biết, tôi lại tự hỏi.

Thăng trầm  thanh long

Người phụ nữ tuổi ngoài năm mươi, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Hàm Đức chuyên sản xuất rượu vang thanh long ở thôn 1, xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc bước những bước ngắn trên cái sân xi măng của HTX vừa quay sang tôi, kể.

Chúng tôi đang trò chuyện về sự hình thành của HTX, cũng như cách  làm ra vang thanh long – đang được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến.

Một lúc sau, dường như có chút gì tin tôi, người phụ nữ  tiếp  : “Chuyện thanh long đổ đầy đường tôi vừa kể thì cả xã Hàm Đức, rộng ra là Hàm Thuận Bắc và cả tỉnh Bình Thuận,  là chưa có tiền lệ. Có một thời,  thanh long  mang tới sự thay đổi ở nhiều gia đình nông dân nên người ta đổ xô trồng. Nhiều nơi, hôm trước là ruộng, hôm sau  là đất vườn thanh long. Thế mới có chuyện chỉ trong vòng  chục năm mà sản lượng thanh long trong tỉnh lên đến mấy trăm nghìn tấn. Kết quả là cung vượt cầu. Hàng xuất đi cũng gặp khó do thương lái Trung Quốc bắt chẹt, ép giá.  Thanh long có lúc chỉ còn… 1.500 đồng/kg thay vì từ 15 – 20.000 đồng/kg (loại ruột trắng) như trước kia. Và, khi giá xuống thấp không bán được nữa thì người ta… đổ bỏ.

Người phụ nữ trò chuyện với tôi, tên đầy đủ là Lê Nguyện sinh ra và lớn lên tại quê hương xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc. Chị sinh năm 1963, tức tuổi Qúy Mão. Chị có một tuổi thơ nhọc nhằn. Mười bốn tuổi  phải nghỉ học đi làm xã viên của HTX nông nghiệp để phụ cha mẹ. Nhiều năm sau, chị làm kế toán của Mỏ đá Tazon, đi học bổ túc văn hóa ban đêm rồi học trung cấp nghề, đại học xây dựng, trước khi quay về Tazon thì mở công ty xây dựng nhưng không mấy thành công.

Buổi chiều hôm ấy, lúc trở về nhà, biết chuyện thanh long xuống giá bán không được qua lời người thân, Lê Nguyện cứ tắc lưỡi mãi. Chị tiếc cho bao nhiêu vốn liếng và cả công sức của người nông dân bỏ ra, bây giờ đành chịu lỗ, thậm chí là mất trắng. Nghĩ và nghĩ. Đêm đã vào sâu, nhưng chị vẫn không sao chợp mắt được. Những cơn gió  đêm, từ núi thổi về, thỉnh thoảng giật tung hai cánh cửa sổ, làm chúng đập vào nhau chan chát. Trong lúc đứng lên đóng hai cánh cửa lại, Lê Nguyện  nhìn ra bầu trời tối đen, xa thật xa mới thấy vài ánh đèn le lói. Nó khác xa với những ngày thanh long vào mùa trước đây. Thời đó, cả vùng Tazon, đâu đâu cũng sáng ánh đèn, tiếng máy phát điện chạy xình xịch. Còn bây giờ, chẳng ai buồn chong điện thanh long nữa. Lại nghĩ đến 10ha thanh long của mình, Lê Nguyện nén tiếng thở dài. Sau đó, một ý nghĩ lóe lên trong đầu Lê Nguyện: “Sao mình không thử làm rượu thanh long?”

Ý nghĩ làm rượu cứ quanh đi quẩn lại trong đầu. Lê Nguyện trông trời mau sáng để bàn bạc với những người thân quen về việc lập HTX vận động bà con góp vốn sản xuất rượu thanh long. Chị dự tính ban đầu chưa xây được cơ sở thì lấy nhà chị, một ngôi nhà cấp 3 làm văn phòng. Sau nhà còn có khu đất rộng khoảng 700m2, có thể dùng làm xưởng ủ, nơi bóc vỏ thanh long…  Bước đầu tất nhiên gặp không ít khó khăn nhưng nếu cố gắng sẽ  vượt qua!

HTX sau đó hình thành với số đông người ủng hộ, bởi cái cảnh thanh long đổ bỏ đầy đường trong nhiều ngày liên tiếp ai mà không xót! Tiếng là hình thành nhưng HTX vẫn chưa chính thức ra mắt, bởi  Lê Nguyện hiểu điều cần làm trước tiên là làm ra rượu để thuyết phục mọi người tin rằng HTX làm thiệt, cũng như về lâu dài sẽ mua thanh long trong huyện Hàm Thuận Bắc, nâng cao giá trị của thanh long thay vì chỉ ăn tươi như loại trái cây thông thường.

Những ngày đầu, Lê Nguyện mua thanh long về bóc vỏ, xay nhuyễn, trộn với đường theo tỷ lệ nhất định rồi đem ủ. Những mẻ đó được Nguyện nếm thử, ngọt thì có ngọt nhưng chưa phải rượu mà  là nước thanh long lên men. Ủ tiếp vài lần nữa, sản phẩm cho ra vị chua ngọt nhưng có màu khá đục. Cho đến một đêm, ngồi suy nghĩ vẫn vơ, Lê Nguyện sực nhớ đến chuyện làm rượu thanh long của chị Nguyễn Thị Thủy vừa là bạn vừa là xã viên HTX. Chị Thủy kể: “Ở nhà có đôi lần mình làm rượu thanh long cho ông xã uống. Thay vì để lắng tự nhiên sẽ phải mất nhiều thời gian thì sử dụng thiết bị lọc, rượu sẽ được trong hơn!”. Thế là Lê Nguyện quyết định tìm hiểu thiết bị lọc trên thị trường.

Chuyên biệt khu sản xuất.

Khu đất phía sau nhà Lê Nguyện, nơi có bụi hồng tiểu muội, thi thoảng tỏa ra hương thơm nồng nàn, giờ đây nó được dùng làm xưởng sản xuất rượu, bao gồm khu bóc vỏ, khu xay thịt thanh long, lên men và khu tàng trữ.

Tôi được chị Nguyện dẫn đi trên con đường nhỏ để quan sát cơ ngơi của HTX. Tận cùng phía sau khu đất là một xưởng mà theo lời chủ nhân là nơi dùng để đặt bình inox chứa rượu. Và trong tương lai, HTX sẽ tạo những hầm rượu âm dưới mặt đất để giữ rượu trong thời gian dài, đồng thời sẽ làm tăng hương vị thơm ngon hơn cho rượu. “ Vài lần sau khi sản xuất rượu thanh long theo công thức ban đầu cùng với việc không ngừng cải tiến quy trình,  một ngày nọ, chúng tôi cũng có được loại rượu trong, vị hơi ngọt và chua nhẹ. Loại rượu đó, người trong HTX uống thử, đều khen ngon. Tôi đã yêu cầu vào chai thủy tinh, đóng nắp cẩn thận, chờ vài ngày mời anh em quen biết uống thử, qua đó nhờ họ đánh giá chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, nhiều khi sự tính toán của mình cũng không được như ý muốn, buộc phải kiên trì làm lại. Làm cho đến bao giờ thành công mới thôi”,  người phụ nữ nói bằng giọng điệu hết sức cương quyết.

Vào một đêm oi bức, chị không sao ngủ được. Chị nghĩ vẫn vơ đủ chuyện, rồi nghĩ về hai con, nghĩ về sự buông bỏ một cuộc hôn nhân không hạnh phúc; việc chị đành để hai đứa con lại Phan Thiết để chúng có điều kiện học hành, thay vì về Tazon với chị… đúng lúc ấy thì ở căn phòng bên, nơi chuyên chứa rượu sản xuất ra, những tiếng nổ lốp bốp vang đến tai chị. Chuyện gì xảy ra? Lẽ nào có ai đó vào phòng đập đổ rượu? Không có ai để nhờ, chị đánh liều cầm cây đèn pin bước sang kiểm tra. Ánh sáng của đèn pin lướt đến đâu, chị sững sờ đến đó, bởi hầu hết những chai rượu đều nổ. Vỏ chai lăn long lốc mỗi nơi một chiếc, rượu thì đổ lênh láng khắp sàn nhà, ướt cả gan bàn chân. Chị cầm một cái vỏ chai lên xem thì thấy gần như cái nắp đóng chai bị bật tung. Chị đã hiểu ra sự việc: rượu được lên men liên tục nên gây nổ chai. Nghĩ đến khoản tiền lẫn biết bao mồ hôi, công sức của mấy chị em vừa mới khấp khởi mừng thầm bỗng chốc tiêu tan, chị không nén nổi tiếng thở dài.

Sau đó thì những người trong HTX ngồi lại với nhau, cùng phân tích cách trộn men, cách ủ, cách bảo quản rượu vào chai trong  phòng lạnh  nhằm giữ rượu với nhiệt độ ổn định. Phải mất vài tháng, các chị mới giữ được mấy trăm chai rượu không bị nổ, ổn định được nồng độ và hương vị. Lúc này chị Nguyện biết mình thành công ít nhiều. Chị chọn ngày 14/12/2015 làm ngày chính thức ra mắt HTX tại trụ sở UBND xã Hàm Đức cũng như mời chính quyền địa phương chứng kiến. Hôm ấy, chị cùng các xã viên không giấu được sự vui mừng vì ai cũng khen rượu ngon.

“Được rượu rồi, chúng tôi lại nghĩ cách quảng bá sản phẩm của mình!” – Chị Lê Nguyện nói, tay chạm vào một trong những bình inox chứa rượu trong khu nhà xưởng mới xây. Tại đây có trên 200 bình, chứng tỏ lượng rượu của HTX  không phải ít.

Chị cũng nói, HTX hiện có 17 xã viên. Các chị tập trung nghĩ cách thiết kế logo làm biểu trưng của thương hiệu vang thanh long Tazon. Thay vì chụp cánh đồng hay vẽ nguyên trái thanh long, qua đồ họa, HTX thiết kế logo là trái thanh long với những chiếc tai cách điệu như những ngọn lửa hồng bay lên.  Biểu tượng này thể hiện HTX không chỉ khát khao ý chí phấn đấu, mà rượu của HTX còn như ngọn lửa, làm ấm lòng những ai dùng nó. Tiếp theo là nghĩ cách thiết kế bao bì, dán nhãn mác thế nào để sản phẩm thêm phần sang trọng và thu hút khách hàng… Họ vừa làm vừa cho ra sản phẩm, tính đến đầu tháng 5/2018, trên 200 bình chứa inox đã có 160 ngàn lít rượu với tổng giá trị trên 8 tỷ đồng.

Gồm hai loại: vang đỏ và vang trắng, từ 12 độ đến 13,5 độ với dung tích: 180ml, 500ml và 750ml; từ 25.000 – 110.000 đồng/chai.

“Mặc dù trên thị trường hiện có vài loại vang thanh long do một số cơ sở trong tỉnh sản xuất, nhưng chúng tôi đã đưa hàng của mình vào siêu thị Co.opmart, các cửa hàng bán lẻ tại số 278 Thủ Khoa Huân, 156 Tôn Đức Thắng, Phan Thiết và các trạm dừng chân của công ty Hải Thắng ở P. Phú Hài trên đường đi ra Mũi Né cùng một số đại lý, công ty tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2016, lần đầu tiên rượu vang thanh long Tazon xuất đi Trung Quốc theo đường chính ngạch, mở ra chiều hướng phát triển tốt cho HTX. Và cũng nhờ vậy trong năm 2017, HTX đã tiêu thụ trên 500 tấn thanh long cho nông dân. Riêng xã viên HTX sau 3 năm thành lập, có người nhận lương từ 4.5 – 7 triệu đồng/tháng tùy theo phần việc.

Rượu của nhan sắc.

Câu chuyện nửa chừng bị gián đoạn vì chị Lê Nguyện có khách. Khách là một phụ nữ  nom khá trẻ, nước da sáng, khuôn mặt ưa nhìn. Sau khi Khách đi rồi, chị Nguyện cho hay, đó là chị Kim Quyên, trạc tuổi chị.  Ban đầu chị Kim Quyên là khách mua hàng, rồi  thành đại lý bán hàng của HTX tại khu phố 3, phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết. Tháng nào lượng hàng bán ra của quầy Kim Quyên cũng  tăng vì chị ấy luôn lấy mình ra để giới thiệu, chẳng hạn như là: kể từ khi biết vang Tazon, đêm nào chị cũng uống một ly trước khi đi ngủ. Vang thanh long làm Kim Quyên ngủ sâu, bài tiết tốt. Người phụ nữ đó còn dành thời gian tập thể dục mỗi buổi sáng. Tất cả những điều đó giúp Kim Quyên luôn hồng hào, trẻ trung.

Câu chuyện của chúng tôi lại chuyển sang những giá trị vàng của thanh long  được y học công nhận và khi HTX sản xuất loại rượu này thì những giá trị đó  không hề mất đi. Đó là giúp giảm lão hóa mắt cho những người lớn tuổi, giúp ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra, người dùng rượu thanh long thường xuyên sẽ có làn da sáng và căng mịn, đặc biệt là phụ nữ. Rượu còn giúp giảm hàm lượng cholesteron trong máu đối với người bị bệnh béo phì, làm giảm huyết áp đối với người có huyết áp cao.

Mừng đi, nông dân !

Buổi trưa, vùng núi đá Tazon, nơi chị Lê Nguyện làm ra thứ rượu vang thanh long, nắng lúc nào cũng gắt. Nhưng với tôi, người chép lại câu chuyện làm rượu của người phụ nữ đầy bản lĩnh, dám rời cái nghề xây dựng mình được đào tạo để làm công việc đầy khó khăn và muôn vàn thách thức này thì nắng ở đây thật đẹp. Có lẽ câu chuyện về rượu và những trái thanh long ngoài kia chăng? Và trên hết, rượu vang thanh long đã góp phần tạo nên niềm tin của người trồng thanh long ngay cả khi hàng có xuống giá!